Khi “miếng bánh” thị phần ngày càng bị chia nhỏ, các nhà bán lẻ phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt để gia tăng doanh số cho mình. Cuộc cách mạng 4.0 cùng bối cảnh bình thường mới hậu Covid-19 đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong hành vi mua sắm của khách hàng. Vì vậy, việc áp dụng các công nghệ mới nhằm thúc đẩy kinh doanh và trải nghiệm khách hàng đang được nhiều doanh nghiệp bán lẻ áp dụng. Từ đây – một xu hướng mới trong ngành bán lẻ – Bán lẻ thông minh (Smart Retail) được hình thành.
Bán lẻ thông minh là gì?
Bán lẻ thông minh hay Smart Retail, một thuật ngữ đã không còn xa lạ trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng các công nghệ vào ngành bán lẻ nhằm đem đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm thông minh được cá nhân hóa, cũng như gia tăng doanh số bán hàng cho doanh nghiệp.
Việc cần thiết ứng dụng công nghệ vào các showroom, cửa hàng hay điểm bán là cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt với đại dịch Covid-19 diễn ra trong hai năm qua, khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang chuyển dần từ trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online). Việc thay đổi thói quen, kéo theo hành vi mua sắm của khách hàng cũng có sự thay đổi khi họ có những yêu cầu khắt khe hơn so với việc mua hàng truyền thống như trước đây. Các công nghệ mới không chỉ nhằm thu hút khách hàng mà còn giúp các nhà quản lý hiểu rõ khách hàng của mình hơn để có những chính sách kinh doanh và vận hành kinh doanh một cách hiệu quả.
Xu hướng chuyển đổi số trong ngành bán lẻ
Như đã đề cập phía trên, các doanh nghiệp bán lẻ đang dần chuyển dịch sang xu hướng bán hàng trực tuyến.
Việc cắt giảm các cửa hàng truyền thống đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Chỉ tính riêng tại Mỹ, trong năm 2020, 8.741 cửa hàng bán lẻ đã bị đóng cửa và con số mở mới là 3.304 (theo Coresight). Trong khi đó các nền tảng mua sắm trực tuyến phát triển bùng nổ và trở thành những ông lớn trong ngành bán lẻ như Amazon, Alibaba,… Tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,… cũng đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía người tiêu dùng.
Một số người nghĩ rằng theo thời gian tất cả các cửa hàng bán lẻ trực tiếp sẽ biến mất. Thay vào đó chúng ta sẽ mua tất cả mọi thứ trực tuyến. Công nghệ phát triển đem lại những trải nghiệm chân thực cho con người, khi muốn xem thực tế một sản phẩm nào đó, chúng ta chỉ việc ngồi ở nhà và xem thông qua hệ thống thực tế ảo.
Tuy nhiên thực tế thì rất khó làm biến mất thói quen mua sắm thông thường đã được hình thành từ rất lâu trong xã hội. Nhiều người thích đi đến cửa hàng và tìm kiếm sản phẩm yêu thích cho mình, đó là một niềm vui đối với họ. Kể cả khi họ có thể dễ dàng mua bất cứ thứ gì từ máy tính hoặc qua điện thoại thông minh, thì mua hàng trực tiếp tại cửa hàng vẫn mang lại một trải nghiệm không thể thay thế.
Các cửa hàng của tương lai sẽ thay đổi. Khi nói về bán lẻ thông minh – Smart Retail, chúng ta đang nói về việc sử dụng các kỹ thuật và công nghệ để làm cho trải nghiệm của khách hàng hài lòng hơn và cá nhân hóa hơn.
03 giải pháp công nghệ dành cho ngành bán lẻ
Ngoài mục đích chính của việc kinh doanh – bán hàng – thì trải nghiệm cá nhân của khách hàng để họ muốn quay lại mua hàng trong tương lai là điều mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm. Để đạt được điều này thì khái niệm “hành trình của khách hàng” rất quan trọng.
Hành trình của khách hàng (Customer Journey) trong ngành bán lẻ là toàn bộ hoạt động của khách hàng từ việc di chuyển tới điểm bán, quan sát các gian trưng bày của cửa hàng, lựa chọn món đồ yêu thích, trả tiền, đến khi khách hàng rời đi sau khi mua sản phẩm. Khoảnh khắc cụ thể nào tạo ra trải nghiệm khách hàng trên tuyến đường đó? Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện từng khoảnh khắc đó và hợp nhất chúng lại để tạo ra trải nghiệm mua sắm hoàn chỉnh cũng như cá nhân hóa để khiến khách hàng có thiện cảm và quay trở lại trong các lần tiếp theo. Đây chính là bài toán mà các doanh nghiệp bán cần phải giải quyết trong quá trình chuyển đổi số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay.
Dưới đây là những giải pháp dành cho ngành bán lẻ:
Quản lý nội dung từ xa
Khi khách hàng ở trước cửa hàng, điều làm họ ấn tượng đầu tiên chính là không gian trưng bày hàng hóa thông qua ô cửa kính. Các màn hình cùng các hiệu ứng ba chiều khác nhau, được thiết kế để thu hút sự chú ý của khách hàng sẽ xuất hiện trước mắt họ, đồng thời khơi gợi trí tò mò của họ vào cửa hàng và theo cách này họ sẽ bắt đầu “hành trình khách hàng”. Bằng các camera thông minh được đặt phía bên ngoài, các cửa hàng sẽ có thể phát hiện giới tính hoặc tuổi của người qua đường, theo cách này, các cửa hàng sẽ trình chiếu những quảng cáo được cá nhân hóa tùy theo đối tượng qua đường. Ngoài ra, các thông tin được thu thập này còn giúp các doanh nghiệp hoạch định được các chiến lược phát triển sản phẩm cũng như tập khách hàng cho mình.
Không chỉ cung cấp cho các cửa hàng nguồn dữ liệu thông tin lớn về khách hàng. Các camera thông minh còn mang đến một lợi ích khác là giám sát an ninh. Chúng có thể giúp phát hiện và đưa ra cảnh báo một cách nhanh chóng khi nhận thấy các nguy cơ tiềm ẩn xuất phát từ bên ngoài cửa hàng. Ví dụ như việc có người sắp bước vào (hoặc đi ngang qua) với vũ khí, hệ thống lập tức sẽ cảnh báo đến bộ phận an ninh và quản lý để có thể đưa ra phương án kịp thời, giảm thiểu rủi ro một cách tối thiểu.
Đọc thêm: Camera AI – Giải pháp giám sát của tương lai
Điểm bán hàng (Point of Sale – POS)
Điểm bán hàng – Point of sale (POS) được sử dụng trong các cửa hàng, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại,… khi có nhu cầu về thanh toán, quản lý bán hàng. Tùy vào quy mô và mục đích trong hoạt động kinh doanh, mỗi cửa hàng có thể có một hoặc nhiều POS và có nhiều loại hệ thống POS khác nhau.
Hệ thống POS là một hệ thống phần cứng và phần mềm cho phép bạn thực hiện giao dịch với khách hàng và chấp nhận nhiều hình thức thanh toán như tiền mặt, thẻ tín dụng và thanh toán di động. Trong đó, thiết bị phần cứng cho phép in biên lai, quét mã vạch và lưu trữ tiền mặt.
Chức năng chính của POS là:
- Thực hiện, theo dõi và lưu trữ giao dịch với khách hàng
- Giám sát và báo cáo hoạt động bán hàng
- Quản lý kho và hàng tồn kho
- Quản lý trả hàng kênh chéo
- Quản lý mối quan hệ và trải nghiệm của khách hàng
- Quản lý nhân viên
- Quản lý chương trình khách hàng thân thiết và thẻ quà tặng
Vị trí khách hàng
Công nghệ Wifi, với phần mềm được cài đặt trong hệ thống camera, còn cho phép theo dõi, phân tích thói quen đi lại, lối đi, hướng đi được nhiều khách hàng lựa chọn và phân tích mật độ tập trung của khách hàng. Hệ thống sẽ đưa ra các báo cáo số liệu thống kê, phân tích lượt khách ra vào cửa hàng, mật độ khu vực khách hàng dừng lại tại các điểm khác nhau, thời gian dừng lại, hướng đi, thói quen mua sắm của khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả marketing, phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của cửa hàng, cũng như sắp xếp sản phẩm tại các vị trí thích hợp.
Hợp nhất 03 giải pháp và lời giải cho bài toán bán lẻ thông minh
Kết hợp hoàn hảo 3 công nghệ kể trên sẽ giúp các cửa hàng bán lẻ trực tiếp sở hữu cơ sở dữ liệu khách hàng đầy đủ và có giá trị, hướng tới mang lại trải nghiệm mua sắm thông minh dành cho khách hàng, cải thiện hiệu quả vận hành và gia tăng doanh số cho doanh nghiệp.
Vision AI – Giải pháp Camera giám sát toàn diện cho bán lẻ thông minh
Kết hợp giữa công nghệ kỹ thuật tiên tiến và trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại hiệu quả kinh doanh cho các cửa hàng bán lẻ trực tiếp, với các tính năng vượt trội:
- Thống kê lưu lượng người, phương tiện, vật thể
- Nhận diện khuôn mặt
- Phân tích đặc điểm và hành vi
- Nhận diện vật thể
Dễ dàng ứng dụng trong đa môi trường, kể cả bất lợi như ánh sáng yếu, góc nghiêng lớn, ảnh bị mờ… đồng thời phù hợp mọi quy mô doanh nghiệp , Vision AI sẽ mang lại những giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp bán lẻ theo dõi, thống kê và xử lý dữ liệu khách hàng, từ đó nâng cao trải nghiệm, đề xuất các chiến lược Marketing và kinh doanh phù hợp, thúc đẩy kinh doanh, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đã được triển khai tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Times City – Trung tâm thương mại liên hoàn dưới hầm lớn nhất Đông Nam Á và đang áp dụng tại các hệ thống trung tâm thương mại đẳng cấp khác trực thuộc Vincom Retail – Vision AI đã thúc đẩy trải nghiệm khách hàng tại điểm bán, tối ưu quản trị vận hành và ghi nhận những kết quả vượt trội như đo đếm và phân tách thông tin trung bình của 126,000 khách hàng/ngày đến mua sắm và tham quan. Trong đó báo cáo ghi nhận kết quả chính xác tới 95% cho phép phân loại khách hàng theo độ tuổi và giới tính.
Chuyển đối số trong ngành bán lẻ nói riêng là xu hướng tất yếu của thời đại, việc cạnh tranh giữa những cửa hàng truyền thống và cửa hàng trực tuyến là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm trực tiếp của con người không thể diễn ra một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, việc các cửa hàng truyền thống áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc vận hành của mình không chỉ giúp doanh nghiệp tham gia đường đua trong kỷ nguyên số mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cùng thị phần. Gia tăng trải nghiệm mua sắm và cá nhân hóa đến từng khách hàng chính là điểm mấu chốt cho cuộc đua này.