Xu hướng “Y tế thông minh” đã mang đến kỷ nguyên mới cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Xu hướng này cũng góp phần tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực trợ lý ảo. Theo một báo cáo mới của Grand View Research, quy mô thị trường phần mềm tổng đài ảo có thể lên đến 72,3 tỷ đô vào năm 2027.
Xu hướng khám bệnh từ xa
Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, xu hướng khám bệnh từ xa dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Công ty Fortune Business Insights (Ấn Độ) đã cung cấp số liệu tiết lộ rằng: đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Y tế từ xa là khu vực Bắc Mỹ với giá trị thị trường đạt tới 57,26 tỷ USD vào năm 2020. Theo dự báo, quy mô thị trường màu mỡ này có thể đạt 264 tỷ USD vào năm 2028.
Tại Hàn Quốc, trong nhiều thập kỷ, những vấn đề liên quan đến chẩn đoán sai và sử dụng sai thuốc đã khiến Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc phản đối mô hình này. Dù vậy, xu hướng này đang dần được cộng đồng Y tế Hàn Quốc đón nhận, trong đó có cả tổng thống Yoon Suk-yeol. Đây là dấu hiệu cho thấy Y tế từ xa có tiềm năng phát triển lâu dài và có thể nhân rộng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, theo yêu cầu phòng, chống dịch trong giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên dồn tuyến, khám bệnh sai tuyến, vượt tuyến. Bởi tâm lý cho rằng chỉ có tuyến trung ương mới đảm bảo chất lượng, nhiều người dân lo lắng trước thông tin này. Tuy nhiên, nhờ bắt kịp xu hướng chuyển đổi, áp dụng công nghệ, nhiều cơ sở Y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh đã nhanh chóng áp dụng Telehealth (dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa). Nhờ đó, người bệnh có thể gọi điện cho bác sĩ để xin tư vấn.
Tuy nhiên, nếu muốn nhân rộng mô hình này, Bộ Y tế và các cơ sở Y tế cần phát triển thêm nền tảng về mặt pháp lý, công nghệ, tài chính. Cụ thể, để phân luồng một số lượng lớn người bệnh, hỗ trợ đặt lịch, thanh toán từ xa,.. dịch vụ khám bệnh từ xa cần được “tự động hóa” đồng bộ để giảm tải áp lực cho các cơ sở Y tế công vốn đã hạn chế cả về mặt nhân lực và tài chính.
Tổng đài ảo – trợ lý đắc lực cho hoạt động Y tế
Vào tháng 12 năm 2021 vừa qua, Sở TT-TT và Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa vào hoạt động Tổng đài chăm sóc F0 tại nhà. Tổng đài ảo này có khả năng tự động gọi điện thăm hỏi F0. Ví dụ một cuộc hội thoại: “Em là trợ lý ảo, gọi từ tổng đài chăm sóc F0 tự động Bà Rịa – Vũng Tàu, anh A đang nghe máy phải không ạ? Em xin hỏi vài câu để ghi nhận sức khỏe của anh. Gần đây anh có lúc nào thấy mệt mỏi, khó thở không? Anh có máy đo SP02 không ạ? Chỉ số SP02 gần đây là bao nhiêu?”. Ngược lại, khi người bệnh gọi đến, tổng đài ảo chăm sóc F0 sẽ trả lời: “Xin chào! Đây là tổng đài tự động hỗ trợ F0 của Bà Rịa – Vũng Tàu. Em là trợ lý ảo, quý vị cần hỗ trợ khẩn cấp gì không ạ?”.
Sau 4 ngày triển khai, tổng đài ảo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiếp nhận xấp xỉ 30.000 cuộc cho F0, 76% trong số đó được kết nối với bác sĩ. Đặc điểm thuận lợi của trợ lý ảo là tất cả cuộc hội thoại với F0 sẽ được lưu trữ lại để nhân viên Y tế có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của F0 hằng ngày.
Không chỉ có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành phát triển tổng đài ảo trong hệ thống Y tế của mình, các thành phố khác như Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai giải pháp này. Tuy nhiên, do còn mới mẻ, người dân đa phần cảm thấy hoang mang khi nhận được cuộc gọi từ số lạ yêu cầu khai thông tin cá nhân và tình trạng bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) giải thích: Tổng đài ảo này sẽ cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân, nếu phát hiện ai có triệu chứng, ngành sẽ chủ động nắm bắt và hướng dẫn điều trị.
Tổng đài ảo định hình tương lai Y tế thông minh
Khái niệm “Y tế thông minh” (Smart health) được hiểu đơn giản là việc sử dụng công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu tăng cường tự động hóa các hoạt động Y tế, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Tại các nước có nền Y tế và công nghệ phát triển, xu thế ứng dụng AI dần trở thành hành vi tất yếu, góp phần giải quyết các vấn đề không nhỏ Y tế thế giới gặp phải. Tại Việt Nam, tổng đài ảo được xem là sản phẩm thế hệ đầu tiên áp dụng khái niệm và công nghệ của Y tế thông minh.
Ngoài AI, công nghệ Big Data cũng được ứng dụng nhằm thu thập bệnh án và hỗ trợ quản lý, lưu trữ cho bệnh viện, từ đó giúp ích cho việc phát hiện, ngừa dịch bệnh, tiết kiệm chi phí… Hiện tại, Công ty VinBigData đang phát triển hệ sinh thái thông minh VinDr nhằm hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh Y tế, tối ưu quy trình lưu trữ, truyền tải, xử lý và phân tích hình ảnh Y tế với các giải pháp, dịch vụ thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Hệ sinh thái của VinDr bao gồm: VinDr CAD; VinDr PACS; và VinDr Lab.
Với VinDr CAD – Giải pháp AI toàn diện hỗ trợ phân tích & xử lý ảnh y tế, sản phẩm này có khả năng tự động chẩn đoán bệnh và khoanh vùng đa dạng tổn thương trên phổi, gan, vú, cột sống và sọ não. Độ chính xác trung bình của sản phẩm được kiểm nghiệm đạt trên 90%. Trong khi đó, với VinDr PACS, giải pháp thông minh hỗ trợ quản lý ảnh y tế này có khả năng quản lý ca chụp, đọc ảnh DICOM, xuất báo cáo,…nhờ tích hợp tất cả các giải pháp RIS/PACS/Cloud cùng công nghệ tự động chẩn đoán hình ảnh. Nằm trong hệ sinh thái, sản phẩm VinDr Lab mang đến cho ngành Y học công cụ đắc lực hỗ trợ kiểm soát luồng làm việc của các bác sĩ và vòng đời của dữ liệu. Phần mềm mã nguồn mở này có khả năng chú giải ảnh DICOM, dán nhãn với Bounding Box, Polygon hay Brush. Chia sẻ mã nguồn mở trên Github, các nhà phát triển VinDr Lab hy vọng sẽ được cộng đồng công nghệ đón nhận, và đóng góp để giải pháp trở nên hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, VinBigData còn cung cấp Dịch vụ dán nhãn dữ liệu y tế với sự tham gia của hơn 100 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giàu kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng và chi phí tối ưu.
Với sự kết hợp của công nghệ tân tiến, giờ đây việc khám chữa bệnh của người Việt đang tiến gần hơn đến sự đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác và hiệu quả. Hòa chung vào xu hướng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch thực hiện mục tiêu: phát triển các nền tảng trợ lý ảo phục vụ các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, khách du lịch và người học trong năm 2022.
Kết luận
Trong những năm qua, các ứng dụng dựa trên dữ liệu lớn và giọng nói thông minh đã được nhân lên nhanh chóng, chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các nhà Y tế tương lai tin rằng: ứng dụng trợ lý ảo, tổng đài ảo sẽ giảm bớt gánh nặng cho các bác sĩ trong hoạt động chăm sóc cộng đồng, đồng thời giúp người bệnh học cách chăm sóc sức khỏe của chính họ một cách có trách nhiệm, chủ động hơn.
Để tìm hiểu thêm về công nghệ tổng đài ảo Y tế, bạn có thể bấm tại đây!