1. ACP là gì? Tại sao cần ACP?
ACP (Agent Communication Protocol) là một nguồn mở chuẩn (open-source standard) do BeeAI và IBM đề xuất, được xây dựng với mục tiêu trở thành “HTTP của thế giới tác nhân AI”, tạo nền tảng cho sự chuyển đổi từ các tác nhân hoạt động đơn lẻ, biệt lập sang hệ sinh thái các hệ thống tác nhân có khả năng tương tác và phối hợp linh hoạt.
Khi các tác nhân AI (AI agents) phát triển từ những đoạn mã độc lập thành các thực thể tự động có khả năng cộng tác, vấn đề lớn nhất không còn nằm ở chất lượng mô hình mà là khả năng giao tiếp giữa các tác nhân. Hiện tại, đa số các hệ thống tác nhân hoạt động biệt lập, được xây dựng trên các framework không tương thích, sử dụng API (Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng) riêng, và không có một giao thức chung để giao tiếp.
Với ACP, các tác nhân AI (AI Agents) có thể tự do phối hợp với nhau hay trao đổi thông điệp đa phương thức (multimodal messages) bất kể khác biệt về đội ngũ phát triển, framework, công nghệ hay tổ chức. Giống như việc bạn dùng Chrome hay Firefox đều truy cập được cùng một trang web nhờ HTTP. Đây là một giao thức dùng chung, hướng đến việc kết nối một hệ sinh thái các tác nhân AI vốn rời rạc thành một mạng lưới cộng tác viên có khả năng phối hợp. Từ đó, mở ra những tiềm năng mới về khả năng kết nối, tái sử dụng và khả năng mở rộng.
2. So sánh ACP, MCP và A2A
Trong bối cảnh hệ sinh thái AI ngày càng trở nên phức tạp và phân mảnh, việc hiểu rõ vai trò của từng giao thức đang nổi lên là yếu tố quan trọng để xây dựng các hệ thống AI hiệu quả và có khả năng mở rộng. ACP (Agent Communication Protocol), MCP (Model Context Protocol) và A2A (Agent-to-Agent) không cạnh tranh trực tiếp, mà mỗi giao thức giải quyết một nhu cầu riêng cho các hệ thống AI.
MCP (Model Context Protocol) – do Anthropic phát triển
- Được thiết kế để mở rộng ngữ cảnh hoạt động của một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) bằng cách tích hợp thêm công cụ, bộ nhớ và tài nguyên.
- Trọng tâm: Một mô hình, nhiều công cụ (one model, many tools)
ACP (Agent Communication Protocol) – hiện được điều phối bởi Linux Foundation
- Tập trung vào việc chuẩn hóa giao tiếp giữa các tác nhân AI độc lập, hoạt động xuyên suốt nhiều hệ thống và tổ chức.
- Trọng tâm: Nhiều tác nhân, giao tiếp ngang hàng, bảo mật, không phụ thuộc nhà cung cấp, quản trị mở
A2A (Agent-to-Agent) – do Google phát triển
- Cũng hướng đến việc kết nối các tác nhân độc lập trong các hệ thống phân tán, được tích hợp chặt chẽ với hệ sinh thái Google, nhưng vẫn là giao thức mở.
- Trọng tâm: Nhiều tác nhân, giao tiếp ngang hàng, tích hợp sâu trong hệ sinh thái Google
3. Các tính năng nổi bật của ACP
Giao tiếp dựa trên REST
ACP sử dụng giao diện RESTful tối giản, tuân theo các quy ước tiêu chuẩn của HTTP như GET, POST, mã trạng thái (status code), header… Khác với các giao thức rườm rà như JSON-RPC, ACP chọn cách tiếp cận đơn giản, dễ tích hợp và tận dụng các tiêu chuẩn web phổ biến hiện nay.
Không bắt buộc sử dụng SDK (nhưng có sẵn nếu cần)
ACP có thể hoạt động mà không cần thư viện chuyên biệt nào. Có thể tương tác với các tác nhân AI thông qua các công cụ quen thuộc như curl, Postman hoặc thậm chí là trình duyệt. Để thuận tiện hơn trong quá trình phát triển, ACP cũng cung cấp một bộ SDK (Software Development Kit – Bộ công cụ phát triển phần mềm) sẵn có giúp đơn giản hóa việc tích hợp khi cần.
Phát hiện offline
Các tác nhân sử dụng ACP có thể tích hợp siêu dữ liệu (metadata) ngay trong gói cài đặt, giúp hệ thống nhận diện được chúng ngay cả khi chưa khởi động. Tính năng này đặc biệt hữu ích trong các môi trường bảo mật cao, không có kết nối mạng (air-gapped) hoặc tự động tắt khi không sử dụng (scale-to-zero) – nơi không thể dùng các cách phát hiện dịch vụ truyền thống.
Ưu tiên bất đồng bộ, vẫn hỗ trợ đồng bộ
ACP được thiết kế với giao tiếp bất đồng bộ (asynchronous) làm mặc định, rất phù hợp cho các tác vụ phức tạp hoặc kéo dài. Tuy nhiên, giao tiếp đồng bộ (synchronous) cũng được hỗ trợ đầy đủ, đáp ứng nhu cầu thử nghiệm nhanh, xử lý đơn giản hoặc tích hợp linh hoạt.
4. Kiến trúc của ACP
ACP đóng vai trò như một lớp kết nối tiêu chuẩn, hỗ trợ nhiều kiểu thiết kế hệ thống tác nhân – từ đơn giản đến phức tạp. Kiến trúc của ACP mang tính mô-đun, có thể linh hoạt áp dụng từ môi trường thử nghiệm cục bộ cho đến các hệ thống điều phối đa tác nhân ở quy mô phân tán (distributed multi-agent orchestration).
Mô hình tác nhân đơn (Single-Agent Architecture)
Ở mức cơ bản nhất, ACP cho phép một máy khách (client) tương tác trực tiếp với một tác nhân duy nhất thông qua giao diện RESTful. Trong mô hình này, Máy chủ ACP hoạt động như một cầu nối trung gian, cung cấp các điểm cuối (endpoints) để chuyển các yêu cầu HTTP thành các hành động cụ thể mà tác nhân có thể xử lý. Đây là mô hình lý tưởng cho các tình huống như:
- Triển khai đơn giản, gọn nhẹ
- Thử nghiệm nhanh hoặc kiểm thử, gỡ lỗi
- Tác nhân hoạt động độc lập, phục vụ cho một tác vụ cụ thể
Với mô hình này, không cần đến bất kỳ hạ tầng phức tạp nào, chỉ cần sử dụng các công cụ quen thuộc như curl, hoặc các thư viện HTTP cho máy khách là đã có thể gửi yêu cầu đến tác nhân và nhận phản hồi một cách dễ dàng.
Mô hình đa tác nhân (Multi-Agent Architecture)
ACP có thể mở rộng để hỗ trợ các kiến trúc hệ thống phức tạp hơn bằng cách áp dụng mô hình tác nhân định tuyến (Router Agent). Trong mô hình này:
- Tác nhân này tiếp nhận các yêu cầu từ phía máy khách và phân tách thành các tác vụ nhỏ hơn.
- Các tác vụ được giao cho các tác nhân phụ chuyên biệt để xử lý
Kết quả trả về từ các tác nhân phụ sẽ được tổng hợp và xử lý lại thành một phản hồi hoàn chỉnh
Cách tiếp cận này hỗ trợ phân chia nhiệm vụ hợp lý, xử lý song song và chuyên môn hóa chức năng của các tác nhân. Từ đó, cho phép xây dựng các quy trình phức tạp giữa nhiều tác nhân có khả năng phối hợp và đảm bảo tất cả đều giao tiếp thông qua ACP.
5. Ví dụ thực tế
Để hình dung rõ hơn về nhu cầu giao tiếp giữa các tác nhân AI trong thực tế, hãy xem xét tình huống sau:
- Một công ty sản xuất sử dụng tác nhân AI để quản lý lịch trình sản xuất và xử lý đơn hàng, dựa trên tồn kho nội bộ và nhu cầu khách hàng.
- Một nhà cung cấp dịch vụ logistics sử dụng một tác nhân AI khác để cung cấp thông tin về thời gian vận chuyển ước tính theo thời gian thực, tình trạng xe vận chuyển và tối ưu hóa tuyến đường.
Giả sử hệ thống của công ty sản xuất cần ước tính thời gian giao hàng cho một đơn đặt hàng thiết bị lớn, theo yêu cầu tùy chỉnh – để đưa ra báo giá chính xác cho khách hàng.
Trường hợp không có ACP:
Công ty sản xuất sẽ phải xây dựng một tích hợp riêng với API của đơn vị logistics. Điều đó đồng nghĩa với việc phải xử lý thủ công các vấn đề như xác thực, định dạng dữ liệu không tương thích, và độ sẵn sàng của dịch vụ. Những tích hợp kiểu này thường tốn kém, dễ hỏng và khó mở rộng khi có thêm đối tác mới tham gia.
Trường hợp sử dụng ACP:
Mỗi bên chỉ cần triển khai ACP riêng cho tác nhân của mình. Tác nhân phía sản xuất gửi thông tin đơn hàng và điểm đến cho tác nhân logistics, và nhận lại phản hồi gồm các tùy chọn vận chuyển cùng thời gian giao hàng ước tính – tất cả đều diễn ra theo thời gian thực. Hai hệ thống có thể phối hợp mà không cần chia sẻ thông tin nội bộ hoặc phát triển tích hợp riêng. Khi cần làm việc với đối tác logistics mới, chỉ cần họ triển khai ACP là có thể kết nối ngay.
6. Kết luận
ACP không chỉ là một giao thức chung – mà là nền tảng quan trọng để xây dựng các hệ thống AI có khả năng phối hợp mở, mô-đun và đáng tin cậy. Việc áp dụng ACP cho phép đội ngũ phát triển xây dựng mô hình cụ thể, giảm thiểu chi phí tích hợp, chuẩn hóa giao tiếp giữa các tác nhân và đảm bảo khả năng tương thích lâu dài trong tương lai. Đây là một bước tiến quan trọng để kết nối các tác nhân AI thành một mạng lưới cộng tác hiệu quả, an toàn và thông minh.